Đang online: 254

Số lượt truy cập: 13738572

Về cội nguồn - Thăm lại chiến trường xưa
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 69 Quốc khánh Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ( 02/9/1945 - 2/9/2014) được sự quan tâm của Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường đã tạo điều kiện cho Hội cựu chiến binh của Trường Đại học Xây dựng Miền Tây đã có chuyến hành trình về nguồn Tây Bắc, vùng đất Tây bắc từ bao đời nay vẫn luôn mang trong mình sự hấp dẫn lạ kì đối với du khách. Nhắc đến Tây bắc là nhắc đến những con đường quanh co uốn lượn, những dãy núi trùng điệp, ngút ngàn, ẩn hiện trong mây trời. Ai đã từng đến Tây Bắc dù chỉ một lần đều không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và còn nguyên nét hoang sơ nơi đây.


Về thăm Nhà tù Sơn La đầy ý nghĩa, đến với mảnh đất Sơn La, các đồng chí sẽ quay ngược dòng thời gian để cảm nhận một thời quá khứ hào hùng của dân tộc, di tích lịch sử cấp quốc gia với Nhà Tù Sơn La - nơi thực dân Pháp giam giữ và đàn áp những tù nhân chính trị; Phần lớn nhà tù đã bị máy bay Mỹ ném bom tàn phá trong chiến tranh bắn phá miền Bắc. Hình ảnh các đồng chí lãnh tụ tối cao của Đảng, các chiến sỹ cộng sản kiên trung như: Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Xuân Thủy, Tô Hiệu… Ở nơi đây nổi tiếng nhất là Cây Đào Tô Hiệu, được đồng chí Tô Hiệu trồng từ năm 1940, giữa tháp canh và hành lang các phòng giam. Là minh chứng cho tinh thần bất khuất, ý chí chiến đấu kiên cường của người chiến sĩ Cách mạng, giờ đây vẫn khoe sắc nở hoa mỗi khi Tết đến xuân về. 

HÌNH ẢNH CÁC ĐỒNG CHÍ BÍ THƯ CHI BỘ NHÀ TÙ SƠN LA
(1939-1945)

       
   Đồng chí: Nguyễn Lương Bằng
(Bí thư lâm thời Chi bộ Nhà tù
Sơn La 12/1939 - /1940)

   Đồng chí: Trần Huy Liệu
(Bí thư Chi bộ Nhà tù
Sơn La 2/1940 - 5/1940)


           
   Đồng chí: Tô Hiệu
(Bí thư Chi bộ Nhà tù
Sơn La 5/1940 – 10/1940)

   Đồng chí: Lê Thanh Nghị
(Bí thư Chi bộ Nhà tù
Sơn La 10/1941 - 6/1943)

   Đồng chí: Trần Quốc Hoàn
(Bí thư Chi bộ Nhà tù
Sơn La 7/1943 - 3/1945)


Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908 với diện tích ban đầu là 500 m2. Nhà tù xây dựng khá kiên cố: tường được xây dựng bằng đá lẫn gạch, mái lợp tôn, không có trần, giường nằm cho tù nhân cũng được xây bằng đá, mặt láng xi măng, mép ngoài được gắn hệ thống cùm chân dọc theo chiều dài của sàn. Trong mỗi phòng giam đều có hố xí nổi được xây cao hơn sàn nằm, không có nắp đậy, không có nước dội, không được vệ sinh thường xuyên. Với lối thiết kế như vậy, mùa hè những đợt gió Lào của vùng Tây Bắc gây nên cái nóng như thiêu như đốt, những đợt sương muối tạo ra cái lạnh giá, rét thấu xương thịt vào mùa đông cộng với môi trường ô nhiễm ở mỗi phòng giam đã làm bệnh tật phát sinh và lây lan rất nhanh chóng trong tù ở đây được các tù nhân chính trị mô tả:
“ Nằm bên nhà xác xa vài bước
Ngửi cứt cầu tiêu đủ bốn mùa”

Sơn La lúc đó là nơi “ Lam sơn chướng khí” “Rừng thiêng nước độc” khí hậu cự kỳ khắc nghiệt. Và trong một lần bị đày lên Sơn La, đồng chí Trần Huy Liệu đã mô tả:
“ Một xích hai thằng khắp đó đây
Ngủ, ăn, đái, ỉa chẳng rời tay
Anh em ta thắt dây liên lạc
Trên bước đường xa cát bụi đầy”

Cuối năm 1935, các tù nhân bị giam ở Nhà tù Sơn La đã thành lập được Hội đồng Thống nhất và bầu đồng chí Trường Chinh ( bí danh là Cây Xoan) làm Chủ tịch Hội đồng với sự tham gia của tù nhân là tù Cộng sản,tù Quốc dân Đảng và tù thường phạm. Hội đồng Thống nhất được tổ chức khá chặt chẽ, hoạt động bí mật.

Năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo nhân dân vùng lên đấu tranh chống lại chế độ tàn bạo của thực dân phong kiến. Phong trào đấu tranh đã làm kẻ địch bất ngờ, chúng lồng lộn tìm đủ mọi cách đàn áp, bắt bớ những người Việt Nam yêu nước hòng dập tắt phong trào cách mạng. Mặt khác tăng cường xây dựng và mở rộng thêm hệ thống nhà tù trong cả nước trong đó chúng đặc biệt chú ý đến nhà tù Sơn La. Năm 1940, Nhà tù Sơn La được mở rộng thêm một trại giam lớn để giam thêm tù nhân và đưa một số tù nhân nữ lên Sơn La nhưng âm mưu đó đã không thực hiện được.

Tại di tích lịch sử Nhà tù Sơn La, đoàn Cựu chiến binh Trường ĐHXD Miền Tây đã thành kính dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại nhà tù, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ngày hôm sau, đoàn đến Điện Biên mỗi đồng chí trong đoàn đã trào dâng niềm cảm xúc tự hào khi chúng ta nhắc đến kỷ niệm tròn 60 năm chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ - mốc vàng son chói lọi trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nơi đây có cảnh thiên nhiên vừa mang vẻ nguyên sơ tươi đẹp lại thấm đẫm những oai hùng của lịch sử. Dải đất trên cao ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, nơi một thời thấm đẫm máu đào của quân và dân để làm nên chiến thắng "Vang dội năm châu; Chấn động địa cầu". 

Trận Điện Biên Phủ là trận đánh lớn nhất trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh, tỉnh Lai Châu (nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân đội Liên hiệp Pháp.
Đây là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1945 – 1954 của Việt Nam. Bằng thắng lợi quyết định này, lực lượng QĐNDVN do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã buộc quân Pháp tại Điện Biên Phủ phải đầu hàng vào tháng 5 năm 1954, sau suốt 2 tháng chịu trận. Giữa trận này, quân Pháp đã gia tăng lên đến 16.000 người nhưng vẫn không thể chống nổi các đợt tấn công của QĐNDVN.

Đoàn đã đi thăm các di tích lịch sử của chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, cảm động nhất tại đồi A1, vị trí quân sự quan trọng của cứ điểm Him Lam, Mường Thanh tại đây đã diễn ra các cuộc tấn công ác liệt hơn hai nghìn chiến sỹ cảm tử đã hy sinh anh dũng để giành dật từng tấc đất, làm bàn đạp tấn công tiêu diệt cứ điểm cuối cùng của quân địch - hầm chỉ huy của tướng Đơ Ca-xtơ-ri (de Castries) ghi dấu ấn lịch sử oai hùng của dân tộc. 

Nơi đây đã xảy ra những trận đánh ác liệt nhất, kéo dài từ đêm 30/3 đến sáng ngày 7/5, kể cả hơn nửa tháng đào đường ngầm đưa 1.000kg thuốc nổ vào cho nổ tung A1, bên ta có đến 1.004 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 1.512 cán bộ, chiến sĩ bị thương, là trận đánh mà Quân đội nhân dân Việt Nam chịu thiệt hại lớn nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ, vì A1 là cứ điểm được Pháp xây dựng kiên cố nhất, bố trí các lực lượng tinh nhuệ nhất và được liên tục tăng viện cả quân số lẫn hỏa lực để cố thủ tới cùng.
Chiếm được A1, gần như quân ta đã nắm chắc phần thắng, và đúng như vậy, cũng trong ngày này, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ.

Qua những trang sách, qua những nhân chứng lịch sử, những thước phim tư liệu chúng tôi cảm nhận sâu sắc chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào, là biểu tượng sáng ngời của ý chí quyết tâm và sức mạnh Việt Nam. Những tấm gương chiến đấu dũng cảm để làm nên chiến công rạng danh dân tộc và rung chuyển thế giới. Với những hành động dũng cảm của anh Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo, anh Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, anh Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Trần Can kiên cường, hiên ngang dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt, chọc thẳng vào sở chỉ huy... khiến chúng tôi vô cùng cảm phục.

Chính vì vậy, khi nói đến chiến thắng Điện Biên Phủ, trong mỗi trái tim người Việt đều trào dâng niềm kiêu hãnh, tự hào và tinh thần chiến sĩ Điện Biên mãi như ánh hào quang lấp lánh, lan tỏa trong lịch sử dân tộc và trở thành một trong những động lực tinh thần giúp thế hôm nay có thêm điểm tựa vững vàng để hướng tới tương lai.

Đoàn còn đến thăm Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi D1 (ảnh) ở độ cao khoảng 50m so với cánh đồng Mường Thanh, có 340 bậc thang. Tượng đài Chiến thắng là tượng đài bằng đồng lớn nhất Việt Nam hiện nay. Đây là công trình văn hóa - lịch sử tri ân các anh hùng liệt sĩ, đồng bào Điện Biên cùng với cả nước chiến đấu giành lại độc lập cho Tổ quốc.
Đoàn đến viếng thắp hương cho các anh liệt sỹ tại nghĩa trang Độc Lập - nơi yên nghỉ của 2.432 liệt sĩ, trong đó có những nhân vật được ghi danh vào sử sách như Anh hùng Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Trần Can... Nhân dịp Lễ Quốc khánh 2/9, trên các phần mộ liệt sĩ luôn nghi ngút hương khói và hoa tươi của các cựu chiến binh và du khách đến kính viếng và tham quan. Đứng trước mộ phần của các anh hùng liệt sĩ, ai cũng toát lên vẻ thành kính, khâm phục, thương tiếc xen lẫn tự hào...

Qua chuyến đi tham quan về nguồn Tây Bắc bản thân tôi có cơ hội hiểu biết thêm về phong tục, tập quán, con người nơi đây, đặc biệt càng cho tôi thấu hiểu sâu sắc giá trị cao quý và sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh giải phóng dân tộc làm lên chiến thắng "Vang dội năm châu; Chấn động địa”, đồng thời thông qua hoạt động chính trị của Hội cựu chiến binh Nhà trường để mỗi đồng chí trong đoàn Hội cựu chiến binh Trường Đại học Xây dựng Miền Tây chúng tôi quay trở về công tác tại Trường nguyện tiếp tục giữ gìn, phát huy phẩm chất của Anh bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ đổi mới, nỗ lực lao động sáng tạo quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Nhà trường ngày càng chuyên nghiệp và hiện đại, để xứng đáng với sự hy sinh của các chiến sĩ cách mạng vì sự sinh tồn của tổ quốc và dân tộc./.

Vũ Thị Thanh
Trung Tâm NN - TT