CÁI NHÌN MỚI CHO KIẾN TRÚC VIỆT NAM
HOÀNG HOA THỦY TIÊN (Tổng hợp)
Trong bối cảnh chung của nền kiến trúc đương đại thế giới, kiến trúc Việt Nam đang chuyển mình để đón nhận những bước tiến mới trong xây dựng cũng như rõ ràng hơn trong các xu hướng kiến trúc. Việc du nhập ồ ạt những trường phái, phong cách kiến trúc trên thế giới vào nước ta đã gây nhiều khó khăn trong việc định hình hướng đi riêng và mặc dù tiếp nhận một cách có định hướng nhưng liệu nền kiến trúc Việt Nam có tạo dựng được hình ảnh của một nền kiến trúc hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc?
Vấn đề kế thừa và vận dụng tính truyền thống vào các công trình kiến trúc hiện nay ở Việt Nam là vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Tính cấp thiết của nó là không thể bàn cãi khi các hiện tượng sao chép một cách tùy tiện kiến trúc truyền thống ở mọi thể loại công trình mà không có sự hiểu biết đầy đủ về các giá trị của kiến trúc truyền thống đã tạo nên bộ mặt khó coi cho nền kiến trúc đương đại nước ta.
H1. Bảo tàng Tuyên Quang, đủ cả thành cao, hào sâu, tháp canh, lỗ châu mai, thêm mấy khẩu thần công vào nữa là đủ.
|
H2. Một hình thức kiến trúc nhại cổ khó hiểu ở Đền tưởng niệm Nguyễn Trung Trực - Long An.
|
KTS Kezo Tange đã nói: “Không ai ấu trĩ đem một mái nhà cổ úp lên một công trình kiến trúc hình hộp rồi bảo đó là dân tộc – hiện đại. Cần phải thấu hiểu một cách tường tận sâu sắc những nguồn gốc hình thành kiến trúc truyền thống. Ở bất kỳ nơi nào kiến trúc truyền thống cũng được tạo dựng thông qua điều kiện thiên nhiên, khí hậu, tập quán sinh hoạt của con người mà có được không gian, tỷ lệ và hình thức kiến trúc địa phương thích hợp, đó là cái hồn của kiến trúc truyền thống, cần phải nắm bắt và khai thác.”
Trong bối cảnh đó, KTS Võ Trọng Nghĩa không với lý lẽ mà bằng những hành động thiết thực trong sáng tạo đã thiết kế nhiều công trình hiện đại mà vẫn mang hơi thở mộc mạc của người Việt. Công trình nhà hàng Sơn La Complex của Võ Trọng Nghĩa là một trong những công trình của hơn 50 quốc gia, được nằm trong danh sách các công trình cho giải thưởng Festival kiến trúc thế giới 2014.
H3. Mặt đứng công trình nhà hàng Sơn La Complex
Công trình là tổ hợp gồm 8 hạng mục kết hợp với nhau trong một không gian rộng khoảng 14000 m2, bao gồm nhà hàng, khách sạn và các hạng mục đi kèm. Nhà hàng được thiết kế với vật liệu địa phương nhằm giảm chi phí xây dựng như tre luồng, đá chẻ là những nguyên liệu quen thuộc của người dân Sơn La khi xây dựng nhà cửa. Đá chẻ cắt thành lớp mỏng không đồng màu và đồng cỡ, thông thường được người dân xếp chồng lên nhau một cách khéo léo để làm tường rào hoặc tiểu cảnh
|
H4. Đá chẻ cắt thành lớp mỏng không đồng màu và đồng cỡ dùng làm vật liệu xây tường
|
H5. Những bậc thang đá đưa khách xuyên qua mặt nước để vào nhà hàng.
|
Với chiều cao khác nhau các không gian như thoáng mở và gắn kết với thiên nhiên, tạo cảm giác mát mẻ vào mùa hè nhưng ấm áp vào mùa đông. Bên cạnh đó, một hồ nước nhân tạo được xây dựng ôm lấy công trình nhằm tạo cảm giác mát mẻ, mềm mại trong một không gian khô cứng bằng đá.
|
|
|
|
H6. Tre luồng là cấu trúc chính cho công trình |
Các không gian chung và không gian riêng tư được kết nối với nhau bằng mái tranh lớn. Toàn bộ phần mái của công trình được lắp ráp từ hàng ngàn cây tre luồng và không sử dụng chất liệu kim loại để khớp mối nối, các cây tre luồng là cấu trúc chính cho công trình, có đường kính 80 – 100 mm được thắt chặt như cột và dầm chính gồm 5 cây lồng vào nhau. Trần cao thoáng và cách lấy sáng từ những ô hứng sáng độc đáo mang lại không gian huyền ảo đầy mê hoặc cho công trình.
H7. Góc phối cảnh ban đêm của công trình
Nội thất với ánh đèn sắc vàng mang đến cảm giác ấm áp cho nhà hàng miền núi vốn luôn được bao phủ trong thời tiết se lạnh. Với công trình này, KTS Võ Trọng Nghĩa lại tiếp tục khẳng định sự thành công trong việc kết hợp văn hóa bản địa, vật liệu địa phương với hình thức hiện đại nhưng hoàn toàn không xa rời thiên nhiên và con người nơi đây.
Hy vọng rằng, những công trình – với cái tâm của người thiết kế không ngừng tìm tòi cái tôi, cái hồn của người Việt nội hàm bên trong công trình chứ không chỉ là những hình thức hời hợt bên ngoài – sẽ là những trang đầu mở ra hướng đi mới cho nền kiến trúc đương đại Việt Nam.