Tại Hội thảo khoa học quốc gia về đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo ĐH trong điều kiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm được tổ chức tại Hà Nội ngày 28-2, ông Nguyễn Duy Đạt - Trường ĐH Thương mại - cho rằng thiếu hụt kỹ năng là “vấn đề nghiêm trọng”.
Theo ông Đạt, một khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy đối với người sử dụng lao động thì kỹ năng và khả năng sẵn sàng của người lao động là mối quan tâm lớn hơn so với quy định quản lý thị trường lao động và thuế.
“Thiếu hụt kỹ năng là một vấn đề nghiêm trọng với các ứng viên tìm kiếm việc làm trong các lĩnh vực kỹ thuật, chuyên môn và quản lý - những công việc thường đòi hỏi người lao động phải thực hiện những nhiệm vụ có tính phân tích, phi thủ công và không phải thường quy.
Ngược lại, thiếu hụt lao động có tay nghề hay thiếu ứng viên trong một số loại hình công việc cụ thể lại thường xảy ra ở các ngành nghề giản đơn” - ông Đạt nhấn mạnh.
Đặc biệt, không phải những kỹ năng “cao siêu” mới bị thiếu hụt mà ngay những kỹ năng được sử dụng hằng ngày như kỹ năng giao tiếp cũng bị thiếu hụt khá nặng nề ở nhiều cử nhân.
Khảo sát nhanh tại các trường ĐH đào tạo kinh tế lớn như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Vinh… cho thấy các kỹ năng quan trọng của người lao động như kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và phê phán, kỹ năng giao tiếp… dù được xác định là rất cần thiết nhưng đa số trường chưa chú trọng đào tạo một cách bài bản.
Một khảo sát ở phạm vi hẹp hơn tại Trường ĐH Thương mại cho thấy sinh viên đánh giá cao và mong muốn được quan tâm đào tạo hơn về đặc biệt các kỹ năng theo thứ tự ưu tiên sau: kỹ năng giải quyết vấn đề; kỹ năng đàm phán, thương lượng; kỹ năng quản lý thời gian, quản lý công việc và kỹ năng giao tiếp.
Theo các đại biểu, việc đổi mới đào tạo, nâng cao chất lượng là yêu cầu cấp bách đối với hệ thống ĐH Việt Nam nói chung cũng như với các trường ĐH được giao thí điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm nói riêng.
Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều “lực cản” trong việc nâng cao chất lượng đào tạo ĐH. Một nghiên cứu của TS Vũ Xuân Dũng (Trường ĐH Thương mại) và nghiên cứu sinh Trương Thị Hằng (Học viện Báo chí và tuyên truyền) chỉ rõ tỉ lệ giảng viên/sinh viên trong giáo dục ĐH còn bất cập.
Theo thống kê của Bộ GD- ĐT, năm 2012 tổng số sinh viên ĐH của Việt Nam là 1,4 triệu, số giảng viên ĐH toàn quốc chưa đến 60.000 người. Tỉ lệ sinh viên/giảng viên năm học 2010-2011 là 30 sinh viên/giảng viên và giảm còn gần 23 sinh viên/giảng viên năm học 2013-2014, nhưng tỉ lệ này lại tiếp tục tăng ở năm học liền sau đó.
Nghiên cứu này khẳng định số sinh viên/giảng viên cao cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng giáo dục, có những giảng viên giảng tới 1.000 tiết/năm, vượt xa so với quy định chung là 260 tiết/năm.
NGỌC HÀ (TTO)
(Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20170228/nguoi-lao-dong-thieu-hut-nghiem-trong-nhieu-ky-nang/1272170.html)