MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ ĐÀO TẠO
KỸ SƯ CẤP THOÁT NƯỚC HIỆN NAY
PGS.TS TRẦN ĐỨC HẠ
1/ Bối cảnh chung:
Trong những thập niên gần đây, các nhu cầu khai thác tài nguyên thiên nhiên, sử dụng năng lượng ngày càng gia tăng. Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đã tác dụng mạnh mẽ đến điều kiện sống và làm việc của con người không chỉ ở phạm vi nhỏ mà ngày càng lan rộng ra ở mức vùng, quốc gia hay cả cộng đồng thế giới. Tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là tài nguyên nước, bị đe dọa làm cạn kiệt và suy thoái, môi trường bị biến đổi theo chiều hướng xấu… Cùng với quá trình công nghiệp hóa, tốc độ đô thị hóa ở mỗi quốc gia cũng như trên trên phạm vi toàn thế giới ngày càng gia tăng. Các chất thải phát sinh từ hoạt động kinh tế xã hội ngày càng nhiều, ô nhiễm môi trường có xu thế tăng lên rõ rệt. Vì vậy vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của toàn nhân loại.
Việt nam có số dân gần 100 triệu người, đang ở trong giai đoạn công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Yêu cầu tăng trưởng kinh tế đòi hỏi sự khai thác tài nguyên và sử dụng năng lượng ở mức độ rất lớn. Nhu cầu cấp nước ngày càng gia tăng. Sự phát triển kinh tế xã hội với sự hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp … có xu thế tạo nên sự không ổn định sinh thái của nhiều vùng, nhiều khu vực. Vì vậy bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn nước là một yêu cầu cấp bách.
Trong lĩnh vực cấp nước thời gian vừa qua chúng ta đã đầu tư và vay vốn chủ yếu từ nguồn ODA là hàng trăm nghìn tỷ đồng, trong đó trong khu vực đô thị khoảng 70% và 30% là khu vực nông thôn. Tuy nhiên hiện nay cũng mới có gần 70% dân số đô thị được cấp nước với tiêu chuẩn bìng quân thấp, từ 60-80l/người ngày. Còn gần 300 đến 500 thị trấn chưa có nhà máy nước. Thực tế đối với cấp nước nông thôn còn khó khăn hơn nhiều. Sự phát triển đô thị và công nghiệp tạo nên lượng lớn chất thải vào môi trường. Nguồn nước ô nhiễm và cạn kiệt ở nhiều vùng. Chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư bị đe dọa.
Do vậy trong thời gian tới một trong những nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam là cung cấp đủ nước sạch và đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường cho người dân. Chính phủ đã có những chiến lượng quốc gia phát triển cấp nước đô thị, phát triển thoát nước đô thị, nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020. Cấp thoát nước phát triển thành lĩnh vực công nghiệp. Nhu cầu cấp nước, thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị và nông thôn đòi hỏi một phần nhân lực phong phú đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng. Trong đó cán bộ khoa học kỹ thuật về cấp thoát nước và sử dụng tổng hợp nguồn nước được đào tạo từ các trường đại học sẽ là lực lượng chủ chốt
2/ Tình hình đào tạo kỹ sư về cấp thoát nước và môi trường nước ở Việt Nam:
Cơ cấu đội ngũ lao động phục vụ trong lĩnh vực kỹ thuật hạ tầng đối với các nước đang phát triển, theo tính toán của tổ chức lao động Quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp quốc là:
- Các nhà phát minh và đổi mới công nghệ chiếm 2,5%
- Các nhà quản lý chiếm 6,5%
- Các nhà kỹ thuật công nghệ chiếm 9%
- Công nhân làng nghề chiếm 22%
- Công nhân không làng nghề và lao động giản đơn chiếm 65%
Như vậy tính đến năm 2010 trong khu vực cấp thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị chúng ta cần 80.000 công nhân và cán bộ kỹ thuật. Trong khu vực cấp nước và vệ sinh nông thôn chúng ta cần 148.000 công nhân và cán bộ kỹ thuật. Trong tổng số nhân lực cần thiết phục vụ trong lĩnh vực cấp thoát nước và vệ sinh môi trường, số người phải qua đào tạo là 91.200 người
Theo số liệu của Hội Cấp thoát nước Việt nam, toàn quốc hiện nay có khoảng 10.000 cán bộ công nhân ngành nước nhưng lực lượng này phân bố không đều, tạo thành hình nấm trong cơ cấu nhân lực. Số lượng cán bộ kỹ thuật, kỹ sư lại quá ít. Chỉ có một số công ty tư vấn, công ty xây dựng và nhà máy nước lớn có các kỹ sư cấp thoát nước làm việc
Hiện nay ở Việt nam đang tồn tại các cơ sở đào tạo về cấp thoát nước và kỹ thuật môi trường sau đây:
- Đào tạo kỹ sư cấp thoát nước chủ yếutại trường Đại học xây dựng (từ 100 đến 150 kỹ sư hàng năm các hệ chính quy và vừa học vừa làm), tại trường Đại học Kiến trúc Hà nội (từ 60 đến 80 kỹ sư các hệ) và tại một số trường Đại học khác như trường Đại học Thủy lợi Hà nội và tại Khoa Xây dựng trường Đại học Bách khoa Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Phần lớn đây là các trường đại học khối xây dựng cơ bản. Tổng số kỹ sư cấp thoát nước đào tạo được hàng năm khoảng 200 – 300 người
- Đào tạo kỹ sư về công nghệ môi trường và quản lý môi trường, kỹ sư hạ tầng và lĩnh vực chuyên môn liên quan tại các trường Đại học quốc lập như Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, trường Đại học Thủy lợi Hà Nội, trường Đại học Đà Nẵng, trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Huế … và các trường Đại học Dân lập như Đại học Đông Đô (hà nội), Đại học Dân lập Hải Phòng, Đại học Văn Lang( thành phố Hồ Chí Minh) … Số lượng các cơ sở đào tạo này với khoảng 700 kỹ sư /năm. Các cơ sở này chủ yếu tập trung ở những cơ sở lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Ngoài ra các trường đại học khối quốc lập nói trên còn đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ về cấp thoát nước, về công nghệ và quản lý môi trường . Trường đại học Bách khoa Hà Nội còn đào tạo cao đẳng chuyên ngành công nghệ môi trường. Trường Cao đẳng Xây dựng số 1 (hà nội), Cao đẳng Xây dựng số 2 (thành phố hồ chí minh), Cao đẳng xây dựng Miền Tây còn đào tạo chuyên ngành cấp thoát nước
Mặc dù các trường đại học đã hình thành lâu đời nhưng vấn đề đào tạo kỹ sư cấp thoát nước và kỹ sư môi trường cũng mới bắt đầu từ vài chục năm nay.
Nhu cầu cán bộ kỹ thuật về môi trường ngày càng tăng. Nhiều trường đại học và cơ sở đào tạo khác trong cả nước đang có dự kiến mở các khóa đào tạo kỹ sư chuyên ngành cấp thoát nước và môi trường.
Điều kiện giảng dạy trong các trường đại học nói chung và trong các cơ sở đào tạo kỹ sư cấp thoát nước và môi trường nói riêng đang thiếu thốn và gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các phòng thí nghiệm chuyên ngành còn lạc hậu không theo kịp các phòng thí nghiệm chuyên ngành của các nước. Kinh phí cấp cho trường đại học còn hạn chế
Các giáo trình phục vụ giảng dạy về cấp thoát nước và kỹ thuật môi trường đã được biên soạn phát hành nhưng chưa đồng bộ và chỉ tập trung trong một số trường lớn khu vực phía Bắc như trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Chương trình đào tạo cấp thoát nước và kỹ sư môi trường đã được thường xuyên cải tiến để dần phù hợp với yêu cầu xã hội và cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ. Tuy nhiên chương trình đào tạo giữa các trường không thống nhất, phần lớn được xây dựng trên quan điểm chủ quan ít có sự thăm dò xã hội, nhiều chướng trình đào tạo còn sâu và nặng
Như vậy hiện nay số lượng về kỹ sư cấp thoát nước và công nghệ môi trường đào tạo trong cả nước không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đây là những thách thức với các trường đại học đào tạo kỹ sư cấp thoát nước và môi trường ở Việt Nam.
3/ Cải tiến đào tạo kỹ sư cấp thoát nước và môi trường trong các trường đại học ở Việt Nam:
Nhu cầu cán bộ công tác trong lĩnh vực cấp thoát nước và môi trường ở Việt Nam ngày càng tăng. Đây là một thách thức rất lớn phải có kế hoạc cụ thể đồng bộ để phát triển nguồn nhân lực. Mục tiêu chung là:
- Đào tạo một đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật cò khả năng giải quyết các vấn đề về cấp nước, xử lý và khống chế kiểm soát ô nhiễm môi trường nước hoặc đánh giá chất lượng môi trường, thẩm định các dự án kinh tế – xã hội
- Hình thành một đội ngũ cán bộ có khả năng tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế xã hội cũng như việc khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường
- Đào tạo kỹ sư cấp thoát nước và môi trường cần phù hợp với khái niệm phát triển bền vững. Mặc khác ở bất kỳ trình độ chuyên môn nào người kỹ sư cũng có thể tham gia vào việc bảo vệ môi trường
4/ Kết luận:
Hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, đào tạo kỹ sư cấp thoát nước và công nghệ môi trường đã hình thành từ nghiều nguồn gốc, xuất xứ khác nhau và trở thành một chuyên ngành chính thống, đang dần dần thành hệ thống. Nội dung rất đa dạng và phong phú
Đào tạo kỹ sư cấp thoát nước và kỹ sư môi trường ở Việt Nam có từ những năm 1960, tuy nhiên sự hình thành hệ thống các cơ sở đào tạo kỹ sư kỹ thuật nôi trường chỉ vào cuối những năm 1990 khi Luật Bảo vệ Môi trường và Luật Tài nguyên nước ra đời nhu cầu nguồn nhân lực cho sư nghiệp công nghiệp hóa đất nước rất lớn nhưng hệ thống các cơ sở đào tạo này chưa đáp ứng đủ số lượng cũng như chất lượng kỹ sư cấp thoát nước và môi trường.
Mặc khác để có khả năng hội nhập chương trình và nội dung phương pháp đào tạp đại học cần phải cải tiến và nâng cao. Những thách thức này cần phải có sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất giảng dạy, thí nghiệm thực hành, cải tiến chương trình đào tạo phù hợp, thay đổi phương pháp đào tạo thụ động sang chủ động.
|