Xây dựng Trường Đại học Xây dựng Miền Tây trở thành một trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) ngành Xây dựng có khả năng giải quyết các vấn đề về công nghệ xây dựng; vật liệu xây dựng; hạ tầng và phát triển đô thị; hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn và nguồn nhân lực.
Giải pháp
- Đổi mới cơ chế chính sách về quản lý, chế độ thu nhập, hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn hoạt động khoa học với thực tiễn giảng dạy, sản xuất; tạo môi trường pháp lý thuận lợi, có các chính sách thu hút các cơ sở nghiên cứu, các nhà đầu tư phát triển KH&CN tại Trường, đưa hệ thống lý thuyết vào sản xuất thực tiễn; tham gia giải quyết các yêu cầu bức thiết của thực tế sản xuất thông qua các hợp đồng kinh tế theo cơ chế thị trường, tạo động lực cho KH&CN phát triển;
- Có chính sách đào tạo và thu hút nhân tài như hỗ trợ kinh phí học sau đại học, thay đổi chế độ lương và phụ cấp đảm bảo đời sống cho cán bộ giảng viên của trường… phấn đấu xây dựng một đội ngũ mạnh đồng bộ trong toàn trường;
- Có chính sách hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phát triển, đặc biệt là các đề tài, dự án có tính đột phá về KH&CN xây dựng; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên chuyên ngành có năng lực cao đồng bộ trên các lĩnh vực đào tạo của trường như Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Cấp thoát nước và Môi trường, Kiến trúc, Hạ tầng đô thị, Giao thông, Quy hoạch vùng và đô thị, Quản lý Xây dựng, Kế toán đủ sức giải quyết các vấn đề bức xúc của thực tế;
- Xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm, thư viện, công trường thực hành tay nghề cho sinh viên đạt chuẩn với đội ngũ giảng viên, cán bộ chuyên môn giỏi, máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại giúp giải quyết những đòi hỏi thực tế, đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao tay nghề ở thời kỳ mới; xây dựng nội quy và tiêu chuẩn cho hoạt động của phòng thí nghiệm, thư viện, công trường thực hành này đảm bảo phát huy tối đa chất lượng;
- Mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu các tiến bộ KH&CN, chuyển giao ứng dụng có hiệu quả vào công tác quản lý và đào tạo của trường cũng như thực tiễn ứng dụng vào điều kiện vùng miền;
- Đẩy mạnh đào tạo, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao kiến thức KH&CN cho các cán bộ giảng viên chuyên môn, cán bộ nghiên cứu trong trường, đặc biệt là các cán bộ, chuyên gia theo các chức danh chuyên môn kỹ thuật; đẩy mạnh công tác đào tạo trên tất cả các lĩnh vực chuyên môn của ngành Xây dựng tại trường đảm bảo chất lượng đầu ra, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội ngay tại địa bàn;
- Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho KH&CN, đặc biệt chú trọng nguồn vốn từ doanh nghiệp, trên cơ sở kết hợp cả 3 loại nguồn vốn thu được như: nguồn vốn do Nhà nước cấp, vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, và nguồn vốn nhà trường thu được từ các hoạt động chuyên môn của mình để chú trọng đầu tư cho phát triển KHCN tương xứng với sự phát triển của Ngành.