Hội thảo quốc tế “Phát triển xây dựng bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu khu vực đồng bằng sông Cửu Long – SCD2021”
HỘI THẢO QUỐC TẾ “PHÁT TRIỂN XÂY DỰNG BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG – SCD2021”
Ngày 18/11/2021 Trường Đại học Xây dựng Miền Tây đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển xây dựng bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu khu vực đồng bằng sông Cửu Long”. Hội thảo do Bộ Xây dựng chỉ đạo trực tiếp, Trường Đại học Xây dựng Miền Tây đồng tổ chức với các trường đại học và hội nghề nghiệp: Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Xây dựng Hà Nội, Hội Kết cấu và công nghệ xây dựng, Hội Địa chất công trình và môi trường, và Hội Bê tông Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo SCD2021
Được sự quan tâm và tạo điều kiện của Bộ Xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Miền Tây đăng cai tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển xây dựng bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu khu vực đồng bằng sông Cửu Long - SCD2021” nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Trường và tròn 10 năm nâng cấp thành trường đại học. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Trường Đại học Xây dựng Miền Tây và 361 điểm cầu trực tuyến khác. Trong đó, điểm cầu tại Bộ Xây dựng với sự tham gia chỉ đạo tổ chức hội thảo của PGS. TS. Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng.
PGS. TS. Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và
Môi trường, Bộ Xây dựng phát biểu khai mạc hội thảo
Trong bài phát biểu chào mừng và tuyên bố khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Vũ Ngọc Anh đã có những đề cập đến tình hình biến đổi khí hậu và tác động khôn lường của nó đến đời sống xã hội cũng như nền kinh tế, quốc phòng của các quốc gia trên toàn cầu trong đó có Việt Nam. Những biểu hiện rõ nét của biến đổi khí hậu như: sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng, hiện tượng tan băng, các trận siêu bão hay lũ lụt, hạn hán xảy ra khắp nơi. Trong đó, Việt Nam nói chung và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng chịu những ảnh hưởng nặng nề của mực nước biển dâng.
Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu IPCC, nếu không được kiểm soát, nước biển dâng có thể gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của 23,1% dân số Việt Nam. Dự kiến nhiều diện tích đất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu mực nước biển dâng thêm 100cm theo dự báo của các chuyên gia, cụ thể: Kiên Giang bị ảnh hưởng tới 77% diện tích, Hậu Giang bị ảnh hưởng tới 80,6%, cả nước Việt Nam sẽ mất đi khoảng 12% diện tích đất sinh hoạt và khoảng 17,1 triệu người không còn nơi sinh sống, không còn đất sản xuất, canh tác. Đây đều là những hệ lụy của biến đổi khí hậu.
Cũng tại lễ khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Vũ Ngọc Anh đã nêu ra những chủ trương, chính sách và Nghị quyết của Đảng và Nhà nước trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Vụ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/06/2013 do Hội nghị trung ương VII, khóa XI ban hành về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng cũng ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 120 với 9 nhóm giải pháp, trong đó có các giải pháp về quy hoạch xây dựng, quy hoạch hạ tầng, quy hoạch cấp nước, quy hoạch thoát nước, các chương trình phát triển đô thị, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ để phát triển bền vững khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
TS. Trương Công Bằng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Miền Tây phát biểu tại hội thảo
Đại diện đơn vị đăng cai tổ chức, TS. Trương Công Bằng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Miền Tây đã có những phát biểu về quá trình 45 năm phát triển Trường và những sứ mệnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao các khối ngành kỹ thuật phục vụ sự phát triển của các tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đứng trước những thách thức biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ gây ra cho đất nước cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà Trường đang tọa lạc, Ban lãnh đạo nhà trường xác định và nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng của công tác NCKH đối với giáo dục nói riêng và thực tiễn xã hội nói chung, góp phần đưa ra những giải pháp hữu ích trong xây dựng, kiến trúc, quy hoạch, … các lĩnh vực chuyên môn mà Nhà trường đang tập trung nghiên cứu, giảng dạy.
Đây là lần đầu tiên Trường Đại học Xây dựng Miền Tây tổ chức hội thảo quy mô lớn kết hợp hai hình thức trực tiếp tại trường và trực tuyến qua hệ thống Zoom Meetings. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước với rất nhiều bài viết gửi đến đăng ký tham dự. Qua đó, Ban Khoa học đã tổ chức lấy ý kiến phản biện và lựa chọn gần 80 bài viết đăng trên Tạp chí Xây dựng và Kỷ yếu của Hội thảo, 30 bài viết khoa học tiêu biểu được lựa chọn báo cáo tại các phiên hội thảo.
Các tiểu ban báo cáo song song tại Hội thảo
Các bài viết đề cập tới nhiều nhóm vấn đề về: cơ chế chính sách phát triển bền vững khu vực đồng bằng sông Cửu Long; quy hoạch xây dựng thích ứng với lũ lụt tiếp cận từ góc độ cảnh quan, văn hóa; xây dựng đô thị thông minh khu vực đồng bằng sông Cửu Long; kiến trúc ứng phó với biến đổi khí hậu; các nghiên cứu phân tích về kết cấu, vật liệu xây dựng phù hợp với đặc điểm địa chất đất yếu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long; các nhóm vấn đề về xây dựng hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu,…
Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học trong và ngoài nước trực tiếp trao đổi, thảo luận các vấn đề xoay quanh biến đổi khí hậu và công tác ngành nghề đáp ứng được những biến động của khí hậu.
PGS. TS. Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và
Môi trường, Bộ Xây dựng tổng kết và bế mạc hội thảo
Sau gần 5 giờ làm việc nghiêm túc, khẩn trương, hội thảo đã đúc kết được nhiều vấn đề nổi cộm về biến đổi khí hậu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đồng thời đề xuất những sáng kiến, kết quả nghiên cứu, những giải pháp thiết thực có thể ứng dụng trong phát triển xây dựng bền vững cho khu vực thích ứng với biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp như hiện nay.
Tin, bài: Đinh Thị Lịch
Hình ảnh: Thanh Trà